Nhiều ý kiến nhận định về thực trạng và xu hướng thị trường bất động sản Việt Nam đã được đưa ra tại Hội thảo Chiến lược gia tăng giá trị bất động sản do TheLeader tổ chức sáng 12/12/2018 tại TP.HCM.
Không có “bong bóng” bất động sản
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam tuy mới hình thành nhưng đã có bước phát triển tích cực, làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao mức sống của nhân dân.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người đã được nâng từ 9,7 m2/người năm 1999 lên 23,7 m2 vào tháng 6/2018, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất thiết yếu của người dân, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị, kích thích sự phát triển của các ngành kinh tế khác đi theo thị trường bất động sản.
Ông Nam nhận định, giao dịch mua bán trên thị trường bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM có sự phát triển bền vững với tốc độ ổn định. Các dự án bất động sản vẫn tiếp tục được đầu tư mạnh và liên tục cung cấp sản phẩm ra thị trường. Chỉ tính riêng trong quý III/2018, 2 thành phố lớn đã đưa vào thị trường 20.328 sản phẩm mới với cơ cấu sản phẩm hợp lý.
“Giao dịch thành công đạt 12.720 sản phẩm, nâng tỷ lệ hấp thụ đạt 63,5%. Con số này tăng gấp rưỡi so với lượng giao dịch của năm 2014, chứng tỏ người mua nhà phần lớn từ nhu cầu thực, cho thấy không có biểu hiện của thị trường ảo hoặc bong bóng bất động sản”, ông Nam nhận định.
Ông Nam cũng nêu, bên cạnh thị trường nhà ở, nhu cầu đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay là rất lớn, khả năng thanh toán tốt. Hiện có tín hiệu tích cực khi Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành liên quan khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản về quy chuẩn tiêu chuẩn, quy chế quản lý vận hành, quy định chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu…
“Loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đã chính thức được thừa nhận và bước đầu được thể chế hóa. Khi đó, phân khúc bất động sản này chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng tích cực”, ông Nam nêu.
Ông Nam cho rằng, nhìn chung thị trường bất động sản đang tăng trưởng tốt cả về nhu cầu và thanh khoản. Tuy nhiên, thị trường trong ngắn hạn đang có những khó khăn về nguồn vốn, thủ tục hành chính, các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp xử lý kịp thời để gỡ khó cho thị trường, giúp thị trường bất động sản tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.
5 xu hướng tác động tới bất động sản
Tại hội thảo, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle Việt Nam đưa ra nhận định trong thời gian tới, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ 5 xu hướng chính.
Thứ nhất, thị trường sẽ có sự chuyển đổi sang mô hình phát triển dự án căn hộ một cách bền vững hơn, tức là xu hướng chuyển dịch lớn tới các căn hộ dành cho người thu nhập trung bình và thấp, hay nhà ở xã hội. Đây là phân khúc có nhu cầu thực về căn hộ.
Ông Stephen Wyatt dẫn chứng, tại TP.HCM, hiện có 17 căn hộ/1.000 dân và đây là con số thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác cùng khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, giá bán căn hộ/thu nhập trung bình người dân vẫn còn khá thấp. Nếu tỷ lệ này cao thì chúng ta nên đầu tư vào các căn hộ cao cấp, còn nếu thấp thì chúng ta nên tập trung vào thị trường nhà ở đại chúng.
Xu hướng thứ hai là sự gia tăng của các căn hộ nhỏ và siêu nhỏ. Nếu như khoảng 10 năm trước đây, các dự án chủ yếu xây dựng căn hộ 2 phòng khoảng 120m2 nhưng hiện không còn căn hộ nào 2 phòng mà trên 100m2. Nhu cầu về kích thước căn hộ của bên mua và bên phát triển đã thay đổi, các căn hộ sẽ ngày càng nhỏ hơn và đặc biệt ở trung tâm thành phố.
Một xu hướng đáng chú ý khác là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các công ty công nghệ tại Việt Nam. 10 năm trước, văn phòng của Google tại Singapore có 25 nhân viên và ngày nay, Google đã có tới 1.000 nhân viên tại đây. Xét về cầu, Việt Nam đang vươn lên so với nhiều quốc gia khác trong khu vực về tốc độ phát triển không gian văn phòng cho thuê.
Theo ông Stephen Wyatt, thương mại điện tử sẽ trở thành xu hướng ảnh hưởng lớn nhất đến bất động sản trong những năm tới đây. Nhận định này xuất phát từ lý do mật độ điện thoại di động của Việt Nam hiện nay đã đạt tới mức 84%, đồng nghĩa với việc 84% dân số có tiếp cận với Internet thông qua điện thoại di động.
Tuy vậy, vị này cho rằng Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít thách thức để có thể tận dụng cơ hội từ những xu hướng mới này. Cụ thể, cơ sở hạ tầng được nhận định sẽ trở thành thách thức lớn nhất, đòi hỏi có sự đầu tư lớn. Môi trường kinh doanh được cải thiện nhưng mức độ dễ dàng trong kinh doanh vẫn chưa tốt, quy trình xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan vẫn cần cải thiện…
Ngoài ra, sự phát triển của khách du lịch quốc tế lẫn nội địa sẽ khiến nguồn cung phòng khách sạn gia tăng rõ ràng. Theo đó, Việt Nam cần cải thiện hạ tầng hàng không, thị thực để tiếp tục duy trì tăng trưởng du lịch.
Theo Đặng Xuân Anh