Dự kiến đến năm 2026, 6 tuyến cao tốc, gồm 3 tuyến trục dọc, 3 tuyến trục ngang ở ĐBSCL, với chiều dài 554km được đưa vào hoạt động, sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt kinh tế – xã hội ở vùng đất rất giàu tiềm năng này.
“Đói đường cao tốc, khát đường giao thông”
Tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương là một đoạn đường cao tốc thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông nối TPHCM với Tiền Giang nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, dài 41km, khởi công vào tháng 12/2004, hoàn thành, đưa vào sử dụng toàn tuyến vào ngày 03/02/2010. Tuyến cao tốc này dự kiến sẽ mở rộng giai đoạn 2 thêm 4 làn xe để đạt quy mô 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp.
Từ TPHCM nối với miền Đông còn có tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, dài gần 66km, khởi công xây dựng vào ngày 03/10/2009 với quy mô 4 làn xe, hoàn thành đưa vào sử dụng toàn tuyến tháng 02/2015. Đến nay tuyến này cũng đã quá tải, đang kiến nghị sớm mở rộng lên 10 – 12 làn xe, vì đây là tuyến rất quan trọng trong tương lai, nối liền sân bay Long Thành và TPHCM. Với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, các tỉnh ĐBSCL rất cần các tuyến cao tốc nối với TPHCM để phục vụ hiệu quả nhu cầu lưu thông hàng hóa và vận chuyển hành khách ngày càng lớn.
Ngày 08/5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tiếp xúc cử tri, trình bày chương trình hành động của ứng cử viên ở đơn vị bầu cử số 1, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ. Trao đổi với cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đường cao tốc từ TPHCM nối ĐBSCL “chậm quá” nên phải tổng kết, rút kinh nghiệm và ông đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải làm việc này. “Tiếp đến là phải làm đường cao tốc từ đây xuống Cà Mau cho xong, đường tới An Giang, đường vành đai xung quanh thành phố này, rồi đường ven biển, cần nhiều đường lưu thông hàng hóa”.
Nhiều cử tri dự buổi tiếp xúc hôm đó rất phấn khởi, nói thẳng: Giao thông chính là huyệt đạo phát triển của miền Tây. Đầu vào qua đường này, thu hút đầu tư, phát triển giao thương, văn hóa, du lịch và mọi thứ; mà đầu ra cũng là đây. Phát triển hạ tầng giao thông chính là mệnh lệnh phát triển vùng, là ưu tiên hàng đầu. Không phải đến bây giờ vấn đề này mới được nhận diện. Cách đây gần 20 năm, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng chỉ ra “3 điểm nghẽn phát triển vùng” là giao thông, thủy lợi và nguồn nhân lực. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã ban hành “3 quyết định” làm “3 khâu đột phá” phát triển, trong đó có Quyết định 344/2005/QĐ-TTg ngày 26/12/2005 phê duyệt phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển giao thông vận tải vùng ĐBSCL đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Dù vậy, giao thông ĐBSCL vẫn trong tình trạng “đói đường cao tốc, khát đường giao thông” một thời gian dài. Trong khi từ năm 2021, cả nước có hơn 2.000km đường cao tốc, thì vùng này chỉ có hơn 40km đường cao tốc TPHCM – Trung Lương hiện hữu và đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận cũng chỉ mới đưa vào sử dụng năm 2022.
Năm 2026, ĐBSCL sẽ có 554km cao tốc
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, khu vực ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe.
6 tuyến này gồm 3 tuyến trục dọc, 3 tuyến trục ngang. Trong đó, 3 tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575km gồm cao tốc Bắc – Nam phía Đông dài 245km, cao tốc Bắc – Nam phía Tây dài 180km, cao tốc TPHCM – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng dài 150km. 3 tuyến cao tốc trục ngang với chiều dài khoảng 591km gồm cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài 191km, cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) – Rạch Giá – Bạc Liêu dài 212km, cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) – Trà Vinh dài 188km. Các tuyến cao tốc nêu trên sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2026; các tuyến còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030.
Hai vấn đề lớn nổi lên của các dự án cao tốc trong khu vực là nguyên vật liệu đắp nền đường và công tác giải phóng mặt bằng. Hiện các cơ quan chức năng và các địa phương đã bảo đảm được hai vấn đề quan trọng này, để tiến độ các tuyến cao tốc được đẩy nhanh.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 có 3.000km cao tốc và tới năm 2030 có ít nhất 5.000km cao tốc. ĐBSCL là khu vực có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, chiến lược, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng; là vùng đất rất trù phú, giàu tiềm năng, nhưng cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL.
Nêu rõ ĐBSCL có 2 “nút thắt” phát triển về hạ tầng và nhân lực, Chính phủ đã dành nguồn lực tương đối lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL, quyết tâm trong nhiệm kỳ này làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa. Ngoài ra, trong những lần làm việc về hạ tầng giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhắc đến ý tưởng phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trong đó dự kiến sẽ làm trước đoạn TPHCM – Cần Thơ.
Cao tốc kết nối miền Tây…
Tết Giáp Thìn vừa qua, toàn bộ hệ thống cao tốc nước ta với chiều dài khoảng hơn 1.900km đi vào hoạt động như một phép thử tải. Trong 1.900km đó có cao tốc hiện đại như Hà Nội – Hải Phòng, cũng có tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe, thậm chí không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp. Lượng xe người dân về quê qua các tuyến cao tốc tăng cao, nhất là từ các tỉnh phía Nam đi ra Bắc hay từ TPHCM đi miền Tây. Cứ mỗi dự án, với hàng chục km cao tốc được nối tuyến, đường về nhà của hàng ngàn, chục ngàn người gần hơn, nhanh hơn, kể cả phía Bắc hay Nam.
Đến hết năm 2025, với 3.000km cao tốc, năm 2030 với 5.000km cao tốc, thì chắc chắn tình hình giao thông mỗi dịp Tết đến sẽ được cải thiện rất lớn, góp phần tháo gỡ nhiều nút thắt giao thông. Với người dân miền Tây, những ngày cuối năm 2023, tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 được đưa vào sử dụng, giúp kết nối TPHCM với TP.Cần Thơ rất thuận lợi. Theo đó, thời gian đi từ TPHCM đến Cần Thơ rút ngắn còn khoảng 2 giờ thay vì 3 đến 4 giờ như trước đây. Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu hiện đang đẩy nhanh tiến độ thi công, khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến Đồng Tháp còn khoảng 2 giờ. Còn nhiều tuyến cao tốc khác đang khẩn trương thi công như tuyến Châu Đốc – Sóc Trăng; Cần Thơ – Cà Mau; Mỹ An – Cao Lãnh… và một số tuyến chuẩn bị khởi công.
Một tin vui khác, sau nhiều năm hoang hóa, khi nguồn vốn được tháo gỡ, những ngày gần đây công trường cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 57,8km nhộn nhịp máy móc thi công trở lại. Đây là dự án tỷ đô, được khởi công từ tháng 7/2014, dù mặt bằng đã sạch nhưng bị vướng vốn nên phải dừng thi công từ năm 2019 khi dự án đạt 80% khối lượng. Nhà thầu hy vọng sẽ hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc này vào quý III/2025. Khi hoàn thành, cao tốc Bến Lức – Long Thành có 4 làn xe chạy, 2 làn khẩn cấp, được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A, vận tốc tối đa 120km/giờ, sẽ góp phần kết nối từ miền Đông đến sân bay Long Thành, về TPHCM, miền Tây một cách rất thuận lợi.
Dự kiến đến năm 2026, 6 tuyến cao tốc, gồm 3 tuyến trục dọc, 3 tuyến trục ngang ở ĐBSCL sẽ đưa vào hoạt động, phần phần làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt kinh tế – xã hội ở vùng đất rất giàu tiềm năng này.
Định vị Việt Nam thành một trung tâm logistics và marketing của khu vực
Do hạn chế về hạ tầng, chi phí logistics cho hàng hóa, nông sản khu vực ĐBSCL hiện đang ở mức cao. Việc phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có các tuyến cao tốc sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, nông sản, giúp người nông dân thoát nghèo và làm giàu; mở ra không gian phát triển mới, các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ; tạo công ăn việc làm để người dân được học tập, làm việc theo tinh thần “ly nông bất ly hương”.
Cùng với việc hình thành tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, trong đó có tuyến TPHCM – Cần Thơ, hứa hẹn sẽ định hình lại bức tranh kinh tế của Việt Nam, đồng thời nâng tầm vị thế quốc gia thành trung tâm logistics chiến lược trên bản đồ khu vực khi nối liên kết thương mại và vận tải một cách dễ dàng với Campuchia, Lào và Trung Quốc, từ đó định vị Việt Nam là một trung tâm logistics và marketing của khu vực.
Nguồn: congan.com.vn