Kiên Giang: Giá đất khu lấn biển tăng gấp 3 lần trong thời gian ngắn

Từ TP.HCM đến Kiên Giang bằng đường bộ mất ít nhất 7-8 giờ ngồi xe, qua phà. Kiên Giang lại được ví như địa phương vùng sâu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng thời gian qua các khu dân cư được xây dựng tại đây luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.


 

Kiên Giang: Giá đất khu lấn biển tăng gấp 3 lần trong thời gian ngắn

Một góc đô thị Rạch Giá


Ông Lê Hoàng Nghiệp ở TP Rạch Giá cho biết, năm 2011 các dự án Khu Lấn Biển đã hoàn thành cơ sở hạ tầng với nguồn cung trên 15.000 căn nhà và lô đất thổ cư các loại. Lúc đó giá đất nền có hạ tầng chỉ dao động từ 3-10 triệu đồng/m2, nhà xây sẵn giá trên dưới một tỷ đồng.

Khan hiếm nguồn cung

Điển hình là 404 căn nhà 2 lầu trong khu dân cư Trần Quang Khải do Công ty CP Đầu tư và Tư vấn xây dựng Kiên Giang làm chủ đầu tư loại thấp nhất giá 1,6 tỷ đồng/căn, dự án Lấn Biển (khu vực 4, 5) của Công ty CP Đầu tư Phú Cường huy động góp vốn đầu tư có giá khoảng1 tỷ đồng/căn. Tuy nhiên, ở thời điểm đó mức giá này khá cao so với thu nhập của người dân nên ít ai dám đầu tư.

Thế nhưng, trong thời điểm hiện tại giá đất ở các khu lấn biển đã tăng hơn 3 lần chỉ trong vòng 6-7 năm là điều ít ai dám nghĩ tới. Theo ông Nghiệp, hiện giá đất ở khu vực này thấp nhất cũng 10 triệu đồng/m2, cao nhất lên đến trên 30 triệu đồng/m2 nhưng tìm mua cũng khó vì khan hiếm nguồn cung.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh đánh giá, hiện thị trường bất động sản tại Kiên Giang không chỉ nóng ở Phú Quốc mà còn phát triển mạnh tại TP Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương.

Trong đó, TP Rạch Giá đã hình hình các khu đô thị mới khang trang. Các dự án nổi bật là khu đô thị Phú Cường, Khu đô thị Phú Gia, Khu dân cư An Bình, Bến xe tỉnh, Trung tâm thương mại Rạch Sỏi, nhà ở xã hội 444 Ngô Quyền, Nhà ở xã hội 460 Ngô Quyền, Khu đô thị mới lấn biển Tây Bắc thành phố Rạch Giá…

“Sốt đất” nhờ vào lợi thế so sánh

Kiên Giang là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng ĐBSCL với lợi thế thành phố trung tâm tỉnh lỵ hướng biển duy nhất của vùng và là địa phương giàu lúa, thủy sản bậc nhất của vùng ĐBSCL.

TP Rạch Giá có vị thế đô thị biển duy nhất của vùng châu thổ ĐBSCL, là nơi cửa ngõ đường biển để kết nối giao thương với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ của vùng kinh tế biển Tây trù phú. Từ dự án Khu lấn biển16 ha xây dựng trước năm 1975, địa phương cho phát triển thêm nhiều khu lấn biển khác với diện tích lấn biển lên đến 450ha chiều dài cho bờ biển ven đô thị này trên 10km.

Huyện đảo Phú Quốc có có vị trí chiến lược, thế mạnh đặc trưng về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên ưu đãi (Nằm trong vịnh Thái Lan nên hầu như không có bão, đường biển đẹp, các bãi tắm còn hoang sơ, có thể du lịch quanh năm); Là địa phương đã và đang sẳn sàng nhất về hạ tầng kỹ thuật (Cảng hàng không Quốc tế, cảng biển Quốc tế, đường vòng quanh đảo, đường trục chính Bắc Nam, cấp điện, cấp nước,…), hạ tầng xã hội đang trong quá trình phát triển ổn định.

Thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương có các dự án Khu đô thị Du lịch biển Hà Tiên, Khu đô thị lấn biển Hà Tiên (C&T), Khu du lịch sinh thái phường Đông Hồ, Khu đô thị lấn biển Nam Hà Tiên, Khu Cảng Hòn Chông, Trung tâm Thương mại Ba Hòn, Trung tâm Thị trấn Kiên Lương, Khu du lịch núi MoSo…

Tuy nhiên, ông Quốc Anh cũng thừa nhận khung pháp lý của thị trường BĐS còn chưa đầy đủ, chính vì vậy mới xảy ra tình trạng nhà đầu cơ “cầm đèn chạy trước ô tô” gây nên sốt đất ảo ở các nơi được quy hoạch xây dựng Đặc khu như Phú Quốc vừa qua.

GS Đặng Hùng Võ – Nguyên thứ trưởng Bộ TNMT nhận định: Kiên Giang có bờ biển nằm ở Vịnh Thái Lan thay vì Biển Đông như các tỉnh thành khác. Đây là điều quý giá và khác biệt của môi trường biển tại đây. Đoạn biển từ Rạch Giá tới Hà Tiên đổ ra Phú Quốc là vị trí lý tưởng để phát triển BĐS du lịch. Tuy nhiên, ông Võ cũng lưu ý địa phương cần minh bạch thông tin quy hoạch và có biện pháp kiểm soát giao dịch tránh để xảy ra sốt đất ảo như ở Phú Quốc trong thời gian qua.

 

Theo Enternews

Cảm ơn bạn đã like và chia sẻ bài viết này