Doanh nghiệp bất an vì giá đất

Tại Diễn đàn "Thị trường bất động sản 2018: Tác động từ chính sách" diễn ra mới đây tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp cảm thấy rất lo lắng khi thị trường bất động sản Việt Nam liên tục nóng sốt, không phản ánh đúng thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.


Doanh nghiệp bất an vì giá đất


Thời gian qua tại các địa phương chuẩn bị thành lập đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc xuất hiện tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật, chuyển nhượng quyền đất rừng, đất nông nghiệp, có hiện tượng giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn.

Mối lo của DN

Cụ thể tại Vân Đồn (Quảng Ninh), một số khu vực tăng đến 200% chỉ sau vài tháng. Hiện tượng giá đất tăng đột biến khiến người dân có đất tại khu vực chuyển đổi tách thửa để bán giá cao, cùng với đó là hiện tượng đầu cơ, giao dịch tách thửa phân lô mua bán đất rừng, đất nông nghiệp tăng mạnh.

Là doanh nghiệp theo sát diễn biến thị trường, ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group thừa nhận đơn vị ông vừa có khảo sát khá chi tiết ở Vân Phong và thấy đất ở đó trong 2 năm qua đã tăng hơn 100 lần/m2. Từ 200 ngàn/m2 ở khu tái định cư, một mảnh đất ở mặt tiền 10 m sâu 20m, 2 năm trước  40-50 triệu/lô, năm 2017 tăng lên 400 triệu (gấp 10 lần), năm nay vẫn mảnh ất đó đã có giá 5,5 tỷ.

"Toàn bộ thị trấn có khoảng 3.000 hộ dân, tất cả 111.000 ha trong quy hoạch chưa biết ở đâu. Câu chuyện có từ năm 2006 có chủ trương, 2009 có quy hoạch sơ bộ, 2017 có điều chỉnh, 2018 chuẩn bị phê duyệt thì chúng ta vẫn chưa nhìn thấy sản phẩm của bất kỳ một dự án nào hay khu đô thị, đất đai nào cùng ra thị trường để đáp ứng cơn khát của các nhà đầu tư. Thiếu cung tăng giá là chuyện bình thường" – ông Hưng nói.

Là chủ tịch doanh nghiệp bất động sản lớn tại Hà Nội, ông Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch HĐQT KOSY Group cảm thấy rất lo lắng thị trường bất động sản nóng sốt. "Hiện nay nhiều nhà đầu tư rất quan tâm tới bất động sản tại 3 khu vực sắp được lên đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Tuy nhiên chúng tôi băn khoăn là không biết khó khăn, thách thức cũng như thuận lợi khi đầu tư vào 3 khu vực này là như thế nào"?

“Hôm trước có người bạn hỏi tôi là đầu tư vào đặc khu với giá như thế có được không thì tôi khuyên: Nhà đầu tư hầu hết là thu gom đất trong dân, chưa rõ quy hoạch, cứ mua để đó. Sau này, nếu đầu tư vào đất đó là khu đô thị, khu công nghiệp thì nhà đầu tư giải phóng”, ông Cường nói.

Đồng thời, ông Cường bày tỏ quan điểm ủng hộ chính sách của Quảng Ninh trong việc áp dụng biện pháp hành chính làm hạ cơn sốt giá đất

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch HD MON Holdings cho biết, hiện nay HD Mon có dự án 300 ha tại Vân Đồn. HD MON Holdings cũng là một trong những nhà đầu tư đầu tiên đầu tư vào Vân Đồn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của các khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc mà đơn vị này gặp phải đó chính là chưa xong quy hoạch chung mà giá đất bị đẩy lên như vậy sẽ làm khó doanh nghiệp khi họ vào thực hiện đầu tư vào các dự án.

“Kể cả sau này khi tỉnh đứng ra giải phóng mặt bằng giao đất cho nhà đầu tư họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, nếu khi giá đất bị đẩy cao lên như vậy, mà nhỡ nhà đầu tư mua phải đất không phải là đất ở mà là khu công viên, hay công trình cây xanh, nhà đầu tư sẽ bị lỗ rất lớn” – ông Tuấn cho biết.

Nhà đầu tư cần suy xét kỹ

Có mặt tại Diễn đàn, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho biết, thuận lợi khi đầu tư vào 3 khu vực này đó là giá bất động sản ở đây đã lên khá mạnh, những ai đã sở hữu bất động sản từ trước tại đây có thuận lợi lớn trong việc đầu tư. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư FDI đăng kỳ đầu tư vào 3 khu vực này khá là mạnh và với quy mô lớn.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng vì giá bất động sản đang lên và tăng khá mạnh, nếu nhà đầu tư muốn đầu tư một dự án lớn với quy mô lớn thì giá đền bù sẽ rất lớn, thường thì nhà đầu tư khó có thể có năng lực chi trả cho hoạt động giải phóng mặt bằng.

Cũng liên quan đến hoạt động gom mặt bằng lớn tại 3 khu vực này, theo ông Lực, có người dân muốn bán, có người chưa muốn bán vì nghĩ rằng giá đất sẽ tiếp tục tăng. Điều này khiến các doanh nghiệp khó có thể gom đất ở 3 khu vực này với quy mô lớn.

Ông Lực cũng cũng chỉ ra một khó khăn khác, đó chính là quy hoạch phân khu tại các khu vực này chưa rõ ràng vì vậy nhà đầu tư cũng rất khó để nắm bắt để có kế hoạch đầu tư rõ ràng.

Trong buổi bàn luận, ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đưa ra cảnh báo đối đến với giới đầu tư khi thị trường đang nằm trong giai đoạn tiền bong bóng, tiếp tục chu kỳ 10 năm Phục hồi – Tăng trưởng – Suy thoái – Khủng hoảng của thị trường bất động sản.

“Đây là thời điểm nhạy cảm các nhà đầu tư cần suy xét kỹ để có thể ứng biến kịp thời nếu như thời kỳ khủng hoảng đấy một lần nữa quay lại” – ông Chung cho biết.

 

Theo Enternews

Cảm ơn bạn đã like và chia sẻ bài viết này